Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu (Saigon Tex & Saigon Farbic 2019) đã khai mạc sáng 10/4, tại TP HCM, thu hút sự tham gia của 150 đơn vị triển lãm với hơn 1.000 nhà cung ứng đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Bỉ, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ…
Đây là sự kiện quốc tế thường niên đạt tiêu chuẩn UFI (Hiệp hội Công nghiệp Triển lãm Toàn cầu) được tổ chức bởi Tập đoàn Dệt may việt Nam (VINATEX).Triển lãm năm nay tập trung trưng bày các sản phẩm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu tiên tiến nhất phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp dệt may, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu từ nguyên liệu, máy móc... đến xu hướng phát triển thông tin thị trường.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phát biểu: "Hội chợ lần này thu hút được số lượng lớn nhà sản xuất thiết bị nguyên phụ liệu, tăng khoảng 7-10% so với năm 2018. Các nhà sản xuất thiết bị đã mang lại cho các nhà sản xuất Việt Nam một số thiết bị và công nghệ, đặc biệt là công nghệ chuyên môn hóa cao và tự động hóa cao. Đây là một điểm khác biệt rất là lớn so với năm 2018, phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành dệt may Việt năm 2019 và tầm nhìn 2025".
Nhận định về sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), nói: "Trong năm 2018, doanh nghiệp dệt may đã đạt mức kim ngạch xuất khẩu tới hơn 36 tỉ USD. Kết quả này đạt được là do những thế mạnh về tay nghề kỹ thuật cao, tiêu chí sản xuất xanh, quản trị tiên tiến cũng như quan hệ sâu rộng với khách hàng truyền thống"
Hàng loạt các thiết bị, máy móc hiện đại thuộc nhiều quốc gia trên thế giới đang được trưng bày tại triển lãm hôm 10/4. Ảnh: Như Huỳnh
Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, thị trường dệt may thế giới ngày một thách thức hơn, khi tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, khiến ảnh hưởng tới giá dịch vụ, cũng như nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu mạnh cũng coi Việt Nam là đối thủ cần kiềm chế. "Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2019 và tương lai gần, ngành hàng cần đổi mới cạnh tranh bằng các phương pháp thông minh hơn", Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam nhận định.
Phân tích cụ thể, ông Trường cho rằng: "Các doanh nghiệp dệt may không còn cách nào khác là sở hữu "bộ công cụ cạnh tranh" mới bao gồm: tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp thông qua nhiều giải pháp, trong đó có năng suất lao động cá nhân bằng tự động hóa".
Ngoài ra, việc quan tâm công nghệ mới, liên kết các doanh nghiệp với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh trong những năm tới.
"Đây cũng là nguyên nhân Saigon Tex & Saigon Farbic 2019 kỳ vọng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tích lũy 'bộ công cụ cạnh tranh' mới", ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
Các sản phẩm được giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng, góp phần tăng cơ hội giao thương của các doanh nghiệp tại triển lãm hôm 10/4. Ảnh: Như Huỳnh
Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng: "Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 của Việt Nam dự kiến là 40 tỉ USD. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác hiệu quả máy móc, thiết bị công nghiệp chất lượng cao và hệ thống công nghệ tự động hóa cao cung cấp các giải pháp cho công nghệ may mặc theo công nghiệp 4.0 để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, cùng thực hiện mục tiêu 40 tỉ USD mà ngành dệt may đặt ra trong năm nay.
Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 13/4/2019. Đây sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất để đầu tư trực tiếp vào nguyên liệu thô và tích cực đáp ứng nhu cầu của người mua trong nước và quốc tế.