Những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế thương mại Việt Nam
1. Đặt vấn đề - Dây thun kẹp viền
Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới từ năm 1986. Sau hơn 30 năm chuyển từ cơ chế kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam, đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Hội nhập kinh tế quốc tế đã có tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay. Hội nhập kinh tế quốc tế đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài bao gồm đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã cung cấp cho Việt Nam một nguồn lực kinh tế to lớn cùng với các hoạt động chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của thế giới góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế lạc hậu, dần phát triển theo kịp các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới…
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những tác động kép theo nhiều chiều hướng tích cực và tiêu cực. Từ đó để phân tích cụ thể những tác động hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại hiện nay, tác giả xin đưa ra ý kiến qua bài viết “Những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế, thương mại Việt Nam”.
2. Tổng quan về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ khi mở cửa đến nay Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 đã mở đầu cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là sự kiện đánh dấu bước hội nhập toàn diện của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.
Trên nền tảng đó, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới với các đối tác. Tính đến tháng 04/2019, Việt Nam đã tham gia thiết lập 16 Hiệp định thương mại tự do với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, bao gồm: AFTA (đối tác ASEAN) có hiệu lực từ năm 1993; ACFTA (đối tác ASEAN, Trung Quốc), có hiệu lực từ năm 2003; AKFTA (đối tác ASEAN, Hàn Quốc), có hiệu lực từ năm 2007; AJCEP (đối tác ASEAN, Nhật Bản), có hiệu lực từ năm 2008; VJEPA (đối tác Việt Nam, Nhật Bản), có hiệu lực từ năm 2009; AIFTA (đối tác ASEAN, Ấn Độ), có hiệu lực từ năm 2010; AANZFTA (đối tác ASEAN, Úc, New Zealand), có hiệu lực từ năm 2010; VCFTA (đối tác Việt Nam, Chi Lê), có hiệu lực từ năm 2014; VKFTA (đối tác Việt Nam, Hàn Quốc), có hiệu lực từ năm 2015; Việt Nam - EAEU FTA (đối tác Việt Nam, Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan), có hiệu lực từ năm 2016; CPTPP (Tiền thân là TPP) (đối tác Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia), có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực: AHKFTA (đối tác ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc)), ký tháng 11/2017; AHKFTA (đối tác ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc), ký tháng 11/2017.
Kết thúc đàm phán nhưng chưa kí: EVFTA (đối tác Việt Nam, EU (28 thành viên)), Kết thúc đàm phán tháng 2/2016.
FTA đang đàm phán: RCEP (đối tác ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand), Khởi động đàm phán tháng 3/2013; Việt Nam - EFTA FTA (đối tác Việt Nam, EFTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein), Khởi động đàm phán tháng 5/2012; Việt Nam - Israel FTA (đối tác Việt Nam, Israel) Khởi động đàm phán tháng 12/2015. (http://www.trungtamwto.vn).
Trong 16 Hiệp định thương mại tự do, có 6 FTA thế hệ mới là Hiệp định Việt Nam - EU và Hiệp định CPTPP (tiền thân là TPP). Đây là các FTA thế hệ mới với diện cam kết rộng và mức cam kết sâu, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa. Ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, các nước tham gia còn cam kết trên nhiều lĩnh vực khác như mua sắm Chính phủ, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư… Có thể kể đến các FTA “thế hệ mới” như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); các FTA ASEAN + 1; FTA Australia - Hoa Kỳ (AUSFTA)...
Theo lộ trình cam kết giai đoạn 2016 -2020, phần lớn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Trong đó:
Xét về mức độ cam kết, hầu hết các FTA mà Việt Nam đã ký kết thì mức độ tự do hóa về thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 97%.
Xét về lộ trình, FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA (2018), tiếp đó là ACFTA (2020) và AKFTA (2021). Hiện nay, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao: Trong ATIGA đạt khoảng 93%, ASEAN - Trung Quốc 84% số dòng thuế về 0%, ASEAN - Hàn Quốc 78% và ASEAN - Nhật Bản 62%. Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU có tỉ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế, cụ thể như sau:
Với EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế cơ bản từ 4 -10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam cam kết lộ trình trên 10 năm hoặc hạn ngạch thuế quan.
Như vậy, sau hơn 3 thập kỉ mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế theo các thang bậc: Từ hẹp đến rộng về đối tác và lĩnh vực cam kết, từ thấp tới cao về mức độ cam kết. Về hội nhập đa phương, Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Á Châu, Quỹ Tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương. Về hội nhập song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có các nước trong nhóm G8; nâng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện, gia tăng nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha.
3. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế Việt Nam
3.1. Tác động tích cực
Trong thời gian tới, khi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) bước vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ, EU có hiệu lực, sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.
Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3 - 5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Ngoài ra, việc ký kết 2 Hiệp định và tuyên bố kết thúc 2 Hiệp định quan trọng TPP và Việt Nam - EU sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Cụ thể:
Đối với xuất, nhập khẩu: Quá trình thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện hệ thống quản lý hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế và cắt giảm hàng rào thuế quan đã tạo ra tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cơ hội lớn nhất là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Kết quả cho thấy, nếu như năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 111,3 tỷ USD (trong đó xuất khẩu là 48,5 tỷ USD và nhập khẩu là 62,7 tỷ USD), thì tới năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 3 lần đạt 328 tỷ USD (trong đó nhập khẩu là 165,6 tỷ USD và xuất khẩu là 162,4 tỷ USD). Đến năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập đạt 480,17 tỷ USD lập kỉ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu. Cán cân thương mại của Việt Nam năm 2018 đạt thặng dư 6,8 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần mức thặng dự năm 2017 (trong đó xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1% (Theo vneconomy.vn).
Trong đó, các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỉ trọng cao trên tổng số liệu thương mại với thế giới của Việt Nam hằng năm. Thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Đối với chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu: Hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, theo đó tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.
Năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng sản phẩm dệt may, giày dép, nông sản có xu hướng giảm xuống trong khi đó tỷ trọng của các nhóm sản phẩm như máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại tăng lên, chiếm tới 27,7% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Đối với thu hút FDI: Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế đã và sẽ mở ra các cơ hội lớn đối với lĩnh vực đầu tư của Việt Nam. Đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tiếp cận và hưởng ưu đãi thuế quan từ các thị trường lớn mà Việt Nam đã ký kết FTA như khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thế hệ mới như TPP, EVFTA (dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ, bảo hộ đầu tư công bằng, không phân biệt đối xử, mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ, dịch vụ tài chính…) sẽ khiến cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên thông thoáng hơn, minh bạch hơn, thuận lợi hơn từ đó sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn nữa.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 12 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2018 tăng gần 35,5 tỷ USD. FDI tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây, đạt 16,74 tỷ USD.
Không chỉ là nguồn lực quan trọng góp phần đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế, bổ sung nguồn vốn đáng kể cho tăng trưởng, chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, FDI còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Đối với thu ngân sách nhà nước: Lộ trình cắt giảm thuế trong các FTA sẽ dẫn tới giảm nguồn thu NSNN đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, tác động của việc giảm thuế đối với tổng thu NSNN về cơ bản là không lớn do:
(i) Mặc dù giai đoạn 2015 - 2018, các Hiệp định thương mại đã ký kết với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc bước vào giai đoạn cắt giảm thuế và xóa bỏ thuế quan sâu và cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là từ các nước này, song lộ trình cắt giảm thuế đã thực hiện từ nhiều năm, nên không có ảnh hưởng đột ngột đến nguồn thu NSNN. Đối với TPP, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước TPP chiếm khoảng hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu tuy nhiên, trong số 11 nước thành viên TPP, Việt Nam đã ký kết FTA với 6/11 nước, đồng thời nhập khẩu từ 5 nước còn lại chỉ chiếm khoảng hơn 5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, có thể nói mức ảnh hưởng tới thu NSNN là không nhiều.
(ii) Việc cắt giảm thuế quan trong TPP cũng như trong các FTA sẽ khiến cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước đối tác chắc chắn có tăng lên và do đó, số thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu đương nhiên cũng tăng theo. Ngoài ra, chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm cũng sẽ tác động tích cực đến nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
3.2. Áp lực đối với nền kinh tế Xét về tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Trong đó:
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu: Dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác (an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ...). Với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với sản xuất trong nước: Việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước TPP, EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước.
Ngoài ra, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước.
Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, trong khi đó hàng hóa nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.
4. Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế trước sức ép hội nhập FTA có nhiều cơ hội nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính nhằm kịp thời đối phó với những biến động của dòng vốn, những ảnh hưởng lây lan từ khủng hoảng tài chính của một nước trong khu vực. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp các thông tin về lộ trình và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh, nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Việt Nam có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu.
Khi tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố không phải yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ... Do đó, việc thực hiện các cam kết trong FTA thế hệ mới đòi hỏi những thay đổi về chính sách và luật pháp trong nước.
Đối với lĩnh vực đầu tư
Việc gia tăng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu về tăng cường năng lực của cơ quan quản lý trong việc giám sát dòng vốn ra vào, tránh nguy cơ bong bóng hoặc rút vốn ồ ạt, để nền kinh tế có thể hấp thụ vốn đầu tư hiệu quả.
Đối với doanh nghiệp
Chủ động tìm hiểu và nghiên cứu về thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật quốc tế. Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam đã ký kết không ít các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, song sự hiểu biết của doanh nghiệp trong nước về các FTAs là khá hạn chế, trong khi đó các doanh nghiệp FDI lại rất chủ động và chuẩn bị khá kỹ để đón đầu và tận dụng ưu đãi từ các FTAs.
Do vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu về TPP cũng như các FTAs là việc cần thiết các doanh nghiệp nếu muốn đứng vững trong cạnh tranh. Bên cạnh đó cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các hiệp hội để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin từ TPP, FTAs một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất.
Chủ động đầu tư và đổi mới trạng thiết bị công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm của doanh nghiệp không thể cạnh tranh với các nước khác. Như vậy, dù hiệp định có mở ra cơ hội, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận thị trường và tham gia vào chuỗi cung ứng.
Chủ động lựa chọn và thay đổi nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc loại bỏ thuế quan cho các đối tác trong TPP chỉ áp dụng đối với các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nội khối. Trên thực tế, với các FTA đã ký kết, cũng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan.
Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc lựa chọn nguồn gốc của các nguyên phụ liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, phải thực hiện tốt như các yêu cầu khác (vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật…).
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề và nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, cần chủ động tạo sự liên kết gắn bó giữa các doanh nghiệp, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa và nước ngoài.
Các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA. Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa. Qua việc phân tích, làm rõ những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trong quá trình tham gia vào các hiệp định FTA thế hệ mới.
5. Kết luận
Sau 14 năm là thành viên của WTO, đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 16 Hiệp định FTA song phương và đa phương. Trong số đó, 11 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho DN Việt Nam. Để tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua được thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu và khả thi.
Hãy tham khảo Dây thun kẹp viền của Tandtvietnam để thêm nguyên liệu vào công thức phối đồ nhé!
Theo SGO